Dự báo, giá cao su sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017, do những yếu tố sản lượng, giá dầu suy giảm và đồng yên tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ.
Giá cao su toàn cầu năm 2016 có những thời điểm biến động thất thường, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2016. Nguyên nhân là nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố chính như: thỏa thuận cắt giảm tổng cộng 700.000 tấn cao su thiên nhiên của 3 nước Hội đồng cao su quốc tế ba bên – ITRC (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đến hết năm 2016. Hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng mưa lũ tiếp nối đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch của các nước. Giá dầu thế giới tăng từ 30 USD/thùng lên trên 50 USD/thùng. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ổn định và nhu cầu tiêu thụ cao su của ngành ô tô gia tăng.
Tiếp nối đà tăng trong nửa cuối năm 2016, giá cao su đã tăng mạnh trong tháng 1/2017 và giảm liên tục từ đầu tháng 2/2017 đến nay. Dự báo, giá cao su sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017, do những yếu tố sau:
Thứ nhất là, sản lượng cao su toàn cầu năm 2017 dự kiến sẽ đạt 12,9 triệu tấn, tăng so với 12,4 triệu tấn năm trước đó. Mặc dù, sản lượng cao su Thái Lan trong tháng 1/2017 giảm 25%, do lũ lụt.
Cao su là một trong những mặt hàng biến động nhất trong năm 2016, và tăng trở lại trong tháng 1/2017, do lũ lụt tại nước sản xuất hàng đầu – Thái Lan – dấy lên mối lo ngại nguồn cung.
Tuy nhiên, giá cao su trong tháng 2/2017 đã giảm gần 20%, do kỳ vọng sản lượng cao su tại Thái Lan sẽ hồi phục.
“Sản lượng cao su tại Thái Lan trong tháng 1/2017 giảm 25%, do lũ lụt”, Lekshmi Nair, người đứng đầu về thống kê kinh tế của Tập đoàn nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) cho biết, trong 1 cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị tại Singapore.
“Tuy nhiên, dự báo sản lượng cao su tại Thái Lan sẽ tăng cao trong năm nay”.
Thái Lan thường thu hoạch khoảng 400.000-420.000 tấn cao su trong tháng 1, Nair cho biết.
IRSG được thành lập bởi chính phủ của những quốc gia sản xuất và tiêu thụ cao su.
Thứ hai là, yếu tố giá dầu suy yếu và đồng yên tăng mạnh mẽ. Giá cao su kỳ hạn TOCOM, hợp đồng benchmark giảm hơn 5% ngày thứ tư (22/3), xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, sau khi giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải qua đêm suy giảm, kéo giảm bởi giá dầu suy yếu và đồng yên tăng mạnh mẽ.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo, giá cao su giao kỳ hạn tháng 8 giảm 5,5 yên, hoặc 2,1%, xuống còn 257,5 yên (tương đương 2,3 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/3, ở mức 257,3 yên/kg phiên trước đó.
Giá cao su giao kỳ hạn tháng 9 tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải ngày 22/3 giảm 200 NDT, xuống còn 17.935 NDT (tương đương 2.606 USD)/tấn trong phiên giao dịch qua đêm.
Áp lực giảm lên giá cao su càng lớn khi yên duy trì đà tăng mạnh so với USD trên thị trường tiền tệ. Những lo ngại xung quanh chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích thích xu hướng đầu tư vào đồng yên, đồng thời kéo USD xuống thấp nhất gần 4 tháng và hiện giao dịch ở ngưỡng 111 yên.
Ngoài ra, việc giá dầu bắt đáy gần 3 tháng cũng ảnh hưởng một phần lên giá cao su tại thị trường châu Á.
Tuy nhiên theo dự báo của chuyên gia phân tích Hidde Smit tại Rubber Forecasts, giá cao su thiên nhiên sẽ tăng mạnh trở lại trong hai quý tiếp theo của năm 2017 do thiếu nguồn cung. Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường cao su liên tiếp hứng chịu nhiều đợt bán tháo khiến giá xuống thấp và người dân không còn hứng thú thu hoạch mủ. Trong khi đó, năng suất sản xuất tại nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, Thái Lan, cũng suy giảm do vừa trải qua một mùa đông khắc nghiệt.
Bà Nair cho biết, cây cao su Thái Lan được trồng trong giai đoạn 2005-2008 đạt sản lượng cao đỉnh điểm, trong khi cây trồng trong giai đoạn 2011-13 bắt đầu được thu hoạch.
“Sản lượng từ các cây trồng cao su trong giai đoạn này sẽ bù đắp sự suy giảm sản lượng cao su Thái Lan trong tháng 1/2017”, bà cho biết thêm.
Sản lượng cao su Thái Lan chiếm gần 40% tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu, hầu hết trong số đó được sử dụng trong việc sản xuất lốp xe ô tô.
Các thương nhân và các nhà chế biến cho biết, giá cao su sẽ giảm trong năm nay, do sản lượng cao su Thái Lan cùng với sản lượng cao su tại Việt Nam hồi phục, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Nguồn: VITIC/Reuters